Lượt xem: 588

Sóc Trăng đẩy mạnh công tác xây dựng mã số vùng trồng cho cây ăn trái

Tỉnh Sóc Trăng có diện tích trồng cây ăn trái trên 28.000 ha với sự đa dạng về chủng loại. Tuy nhiên, thời gian dài, các mặt hàng này chủ yếu chỉ tiêu thụ nội địa nên giá trị chưa cao. Hiện nay, việc giao thương hàng hóa giữa các quốc gia thuận lợi hơn thông qua các Hiệp định thương mại, đây là cơ hội rất lớn cho các mặt hàng trái cây của nước ta xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên điều kiện tiên quyết để trái cây được “xuất ngoại” là phải được cấp mã số vùng trồng (mã code) để truy xuất nguồn gốc. Từ yêu cầu này mà bên cạnh việc phát triển về diện tích, thì xây dựng vùng trồng cây ăn trái đủ chuẩn để được cấp mã số cũng là mục tiêu quan trọng mà ngành Nông nghiệp Sóc Trăng hướng đến, nhằm giúp trái cây tỉnh nhà có thị trường xuất khẩu rộng mở hơn, góp phần cải thiện đáng kể lợi nhuận kinh tế cho nhà vườn.

 


Ngành chuyên môn tăng cường tập huấn về mã số vùng trồng. 

 

    Thời gian qua, tình hình sản xuất cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng tuy có những chuyển biến về diện tích trồng, tổ chức sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật… song, vẫn còn tình trạng thiếu đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, hiệu quả kinh tế sản xuất cây ăn trái chưa cao, trong khi thị trường tiêu thụ trái cây trong những năm gần đây đang có xu hướng rộng mở, nhu cầu tiêu thụ trái cây tăng khiến tính cạnh trạnh về chất lượng trở nên gay gắt. Do đó, việc phát triển các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung với sản lượng hàng hóa đủ lớn để đầu tư phát triển và xây dựng thương hiệu cho mỗi vùng là cần thiết. Từ nhận định này, thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng đã không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn tại từng  vùng trồng cây ăn trái trọng điểm, nhằm giúp nhà vườn có sự am hiểu đầy đủ hơn về tầm quan trọng của việc xây dựng mã số vùng trồng để trái cây có đủ điều kiện xuất khẩu.

    Mã số vùng trồng được hiểu là chứng nhận mã số định danh cho một vùng trồng trọt, tạo thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất. Việc cấp mã số này nhằm giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm, đồng thời, đảm bảo nông sản lưu thông trên thị trường phải đúng nguồn gốc tại vùng trồng. Từ đó, tránh tình trạng trà trộn sản phẩm nơi khác vào vùng đã được cấp mã số. Để thực hiện đầy đủ các yêu cầu cần thiết được đặt ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng đã rất quan tâm việc lựa chọn loại cây ăn trái phù hợp cho từng địa phương trên địa bàn tỉnh để phát triển thành vùng chuyên canh cây ăn trái có diện tích đủ lớn, canh tác theo hướng an toàn thực phẩm nhằm tạo ra sản phẩm sạch, có chất lượng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm… Theo đó, hiện toàn tỉnh đã quy hoạch được 20 vùng trồng đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP.

    Theo quy định, điều kiện để được cấp mã số vùng trồng phải có tối thiểu 10 ha, với việc khống chế về diện tích thì phải là những tổ hợp tác, hoặc hợp tác xã mới đủ điều kiện đăng ký mã số. Những hộ dân trước nay làm riêng lẻ, muốn xuất khẩu để nâng cao giá trị sản phẩm thì phải tham gia vào các đơn vị trên. Nói cách khác, mã số vùng trồng đã góp phần định hướng cho bà con nông dân làm ăn tập thể, hình thành được vùng sản xuất tập trung. Bởi các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ liên kết với hợp tác xã để có nguồn hàng ổn định, chất lượng. Câu chuyện về quản lý chất lượng trên trái vú sữa để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ của Hợp tác xã Nông nghiệp Trinh Phú thuộc xã Trinh Phú, huyện Kế Sách là minh chứng rõ nhất cho vấn đề này. Theo đó, để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm để trái vú sữa đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật được thị trường khó tính như Hoa Kỳ chấp nhận, đầu tháng 9/2018, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng xây dựng mô hình sản xuất cây vú sữa đạt tiêu chuẩn VietGap  quy mô 49 ha với sự tham gia của hơn 20 thành viên thuộc Hợp tác xã nông nghiệp Trinh Phú. Tham gia mô hình, các thành viên đã tuân thủ đúng quy trình VietGAP, hai tháng trước khi thu hoạch phải thuê nhân công dùng thang bao từng quả một để chống ruồi vàng đục quả. Khi thu hoạch cũng phải cẩn thận, nhẹ tay để trái không bị cấn, dập vỏ. Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Trinh Phú, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách - Hồ Văn Hội cho biết: “Việc xây dựng được mã số vùng trồng đã giúp người nông dân sản xuất có trách nhiệm hơn, bởi chỉ cần một sai sót nhỏ trong quá trình canh tác, nếu sản phẩm xuất hiện vấn đề gì, người tiêu dùng chỉ cần tra mã code là biết ngay nó được trồng tại đâu. Bà con sợ ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm nên tuân thủ đúng quy trình canh tác theo hướng sạch, hướng an toàn để bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình”.

    Tính đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp 77 mã số vùng trồng với 518,21 ha. Việc xây dựng vùng trồng cây ăn trái đặc sản đạt tiêu chuẩn cấp mã code phục vụ xuất khẩu đã tạo ra sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm đáp ứng được yêu cầu thị trường siêu thị trong nước và các nước nhập khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với canh tác theo kiểu truyền thống. Qua đó, đã làm chuyển biến nhận thức của nông dân về ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc hóa học, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn lao động, bảo vệ môi trường xung quanh. Nhờ xây dựng thương hiệu bằng chất lượng nên chỉ trong 2 năm gần đây, rất nhiều cây ăn trái đặc sản của tỉnh đã được xuất khẩu sang châu Âu, Hoa Kỳ với sản lượng trung bình hằng năm trên 100 tấn trái. Bên cạnh đó, nhà vườn trồng cây ăn trái cũng đã xây dựng được các chuỗi liên kết bền vững với nhiều công ty, doanh nghiệp nên vấn đề đầu ra sau thu hoạch không còn là câu chuyện đáng lo ngại như thời gian trước. Giám đốc Hợp tác xã Bưởi Thành Công, xã Kế Thành, huyện Kế Sách - Lê Văn Phải chia sẻ: “Cũng nhờ được cấp mã số vùng trồng mà hiện nay Hợp tác xã đã xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ lâu dài với Công ty Vina Grenco để xuất khẩu trái bưởi sang châu Âu. Khi giá thị trường có biến động thì họ vẫn thu mua đúng với giá đã hợp đồng. Khi thu hoạch dù bưởi ở kích cỡ nào họ cũng sẽ mua hết chứ không bỏ lại nên bà con rất yên tâm”.

    Song song với việc đẩy mạnh công tác xây dựng thêm nhiều mã số mới cho vùng trồng, việc quản lý các mã số đã được cấp cũng được cơ quan chức năng rất chú trọng nhằm tránh việc “đánh tráo” mã số giữa các sản phẩm có cùng chủng loại trên thị trường. Đồng chí Nguyễn Thành Phước – Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Chúng tôi sẽ tiếp tục cử cán bộ giám sát tại các vùng trồng để vận động, tuyên truyền, khuyến khích bà con nông dân tiếp tục tuân thủ đúng theo các quy định của mã số vùng trồng mà chúng ta đã được cấp. Bên cạnh đó sẽ cử cán bộ kỹ thuật đồng hành tích cực cùng nhà vườn để mở rộng hơn nữa diện tích vùng trồng, từ đó xây dựng thêm nhiều mã số vùng trồng mới nhằm tạo sản lượng hàng hóa đủ lớn đáp ứng nhu cầu từ các công ty, doanh nghiệp. Riêng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, chúng tôi cũng khuyến khích họ phải cam kết đăng ký mã số vùng trồng ở nơi nào thì phải thực hiện thu mua và nhận hàng tại nơi đó, tránh tuyệt đối trường hợp sử dụng mã vùng trồng nơi này, nhưng lại gắn vào sản phẩm thu mua từ nơi khác để kinh doanh”.


Hợp tác xã Bưởi Thành Công dán mã code cho từng trái bưởi. 

 

    Các Hiệp định thương mại đang mở ra cơ hội cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ riêng EU với dân số gần 500 triệu người, nếu khai thác tốt sẽ là thị trường có ý nghĩa quan trọng, quyết định giá trị cho hạt gạo, con tôm, con cá và trái cây của nước ta. Tuy nhiên để chinh phục được thị trường tiêu dùng khó tính này, chất lượng vẫn là ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, để nông sản đồng bằng thật sự trụ vững trong giai đoạn hội nhập, rất cần có sự chung tay, đồng lòng của cơ quan chuyên môn, người sản xuất và doanh nghiệp để xây dựng giá trị sản xuất bền vững hơn; trong đó, tập trung “xây dựng vùng trồng cây ăn trái đạt tiêu chuẩn cấp mã code” được xem là một trong những hướng đi quan trọng để mặt hàng trái cây của nước ta kịp thời đón bắt được nhiều cơ hội xuất khẩu rộng mở hơn trong tương lai.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 94
  • Hôm nay: 6402
  • Trong tuần: 73,722
  • Tất cả: 11,857,911